“Mặc kệ thiên hạ, sống như người Nhật” là cuốn sách tâm lý của tác giả Mari Tamagawa.
Cô được biết đến là một chuyên gia tâm lý học lâm sàng phục vụ cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đồng thời cũng là người sáng lập và đứng đầu tổ chức Heart Seeds – một tổ chức phi lợi nhuận được ra đời với mục đích tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân. Và cuốn sách “Mặc kệ thiên hạ, sống như người Nhật” chính là một trong số những ấn phẩm tiêu biểu Tamagawa giới thiệu đến đông đảo công chúng. Cuốn sách là sản phẩm được kết tinh từ những kiến thức khoa học hàn lâm về tâm lý, kết hợp cùng những lời khuyên bổ ích, những hành động cụ thể do Mari Tamagawa tổng hợp và biên soạn.
Nếu tìm hiểu về cuộc đời tác giả Mari Tamagawa, chúng ta sẽ được biết rằng, trước khi trở thành một chuyên gia tâm lý và đạt được thành công như hiện tại, không ai có thể ngờ chính tác giả Tamagawa cũng từng trải qua tuổi thơ nhiều biến động. Cha cô là một kẻ nghiện rượu, ông hầu như không bận tâm đến cuộc sống gia đình, thậm chí bạo hành vợ con và biến cuộc hôn nhân trở thành địa ngục. Chính sự ích kỉ, bạo lực của chồng đã khiến mẹ cô phải gánh chịu quá nhiều áp lực và tự tìm đến cái chết thương tâm. Nhưng hoàn cảnh tang thương đã trở thành động lực để Mari Tamagawa vùng lên mạnh mẽ, cô đã vượt qua cơn địa chấn tâm lý và từng bước chinh phục những nấc thang thành công trong sự nghiệp. Cô trở thành một chuyên gia tâm lý nổi tiếng, là người phụ nữ đã làm thay đổi suy nghĩ và cuộc đời hàng nghìn bạn trẻ Nhật Bản. Chính vì từng sống trong búa rìu dư luận, phải đối diện với căn bệnh trầm cảm nặng nề, Mari Tamagawa có được sự cảm thông và thấu hiểu triệt để của một người trong cuộc. Bởi vậy, khi đọc cuốn sách của cô, điều đầu tiên độc giả cảm nhận được là sự thấu hiểu một cách chân thành.
Về hình thức, “Mặc kệ thiên hạ, sống cho người Nhật” được thiết kế mang đậm phong cách Nhật Bản – ngắn gọn và tối giản. Cuốn sách chỉ vẻn vẹn 160 trang với 4 chương nhỏ, phần một cuốn sách được đặt tên: “Viên thuốc điều trị tâm lý hiệu quả nhất chính là bản thân bạn” – nội dung chính đề cập đến ý thức tự giác vượt qua cơn khủng hoảng của cá nhân mỗi người. Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bản năng đầu tiên của chúng ta chính là cầu xin sự giúp đỡ và xoa dịu từ bên ngoài. Tưởng rằng đó là điều hiển nhiên không cần bàn cãi, nhưng trong cuốn sách này tác giả Tamagawa đã chỉ ra đây chính là hành vi yếu đuối nhất, là sai lầm nghiêm trọng nhất. Tìm kiếm sự giúp đỡ chỉ là phương án thứ hai, bởi có rất nhiều khả năng những người ngoài cuộc sẽ chỉ trích bạn nhiều hơn là an ủi. Điều quan trọng hơn cả và cần thiết nhất chính là sự mạnh mẽ để vực dậy tinh thần. Chỉ riêng bạn mới có quyền tự chịu trách nhiệm với suy nghĩ và hành động của bản thân. Như cách một đứa trẻ sẽ không thể nào tự bước đi khi luôn dựa dẫm vào vòng tay cha mẹ. Và bạn cũng thế, bạn sẽ không thể nào thoát ra khỏi cơn khủng hoảng nội tâm khi luôn cầu mong lòng thương hại từ những người ngoài cuộc.
Ở phần hai là lời động viên “Rơi xuống đáy vực cũng không sao cả” – Khó khăn là điều hiển nhiên thường gặp, thậm chí là gia vị để cuộc đời thêm màu sắc. Hãy thử tưởng tượng nếu cuộc đời bạn chỉ là một đường thẳng không có chướng ngại vật nào, như vậy không phải quá dễ dàng, quá nhàm chán hay sao? Cảm giác đối diện với khó khăn và vượt qua nó cũng là điều vô cùng thú vị và làm cuộc sống thêm ý nghĩa. Khi con người ta rơi xuống đáy vực sâu, đó có thể là nơi kết thúc nhưng cũng có thể là điểm khởi đầu, là đòn bẩy để sức bật trong chúng ta vùng lên mạnh mẽ nhất. Lời khuyên mà tác giả Tamagawa đưa ra không phải là cố gắng một cách mù quáng đến mức kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Xuyên suốt cuốn sách này, tác giả luôn đề cao tư tưởng: “Chúng ta phải biết cách nhận ra giới hạn bản thân, lắng nghe những suy nghĩ của bản thân mình, tôn trọng và yêu quý nó.”
Nội dung tiếp theo và cũng là điểm nhấn quan trọng nhất cho tư tưởng của toàn cuốn sách chính là “Gỡ bỏ những điều người khác áp đặt”. Ở Nhật Bản, Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới, con người luôn sống trong một tập thể và chịu sự ảnh hưởng từ xã hội xung quanh. Có những ảnh hưởng tích cực và cũng không ít những tác động tiêu cực. Không phải ngẫu nhiên mà văn học dân gian Việt Nam lại đúc rút nên câu thành ngữ “Miệng lưỡi thế gian trăm đường lắt léo”. Sai lầm lớn nhất nhiều người thường vướng phải chính là nhìn thiên hạ để sống và sống cho thiên hạ nhìn. Có một sự thật hiển nhiên như chân lý đó là chúng ta không thể nào chiều lòng được đám đông. Và đúng như tên gọi cuốn sách này “Mặc kệ thiên hạ, sống như người Nhật”, tác giả Tamagawa đã khẳng định một lần nữa tư tưởng vị kỷ cá nhân, thay vì cố gắng chạy theo đám đông và dằn vặt chính mình vì sự áp đặt của thiên hạ. Hãy học cách trân quý tiếng nói nội tâm, quên đi những lời phán xét, gặp gỡ những người lạc quan tích cực cũng như tránh xa những kẻ hiềm khích và tiêu cực. Đó chính là liều thuốc hiệu nghiệm nhất kéo bạn ra khỏi vũng bùn tối tăm, tuyệt vọng và vực dậy niềm vui sống. Với cuốn sách này, Tamagawa đã làm rất tròn vai trong cương vị một tác giả và một chuyên gia tâm lý. “Mặc kệ thiên hạ, sống như người Nhật” không dừng lại ở những khiến thức khoa học khô khan cứng nhắc, mà ở đó người đọc tìm thấy sự thấu hiểu sâu sắc, sự đồng cảm chân thành, cùng những lời khuyên thực tế và bổ ích.
Nếu theo dõi những bài đăng của báo chí trong thời gian gần đây, hẳn nhiều người trong chúng ta phải giật mình kinh ngạc, vì hàng ngày hàng giờ con số những người tự vẫn vì trầm cảm và bất ổn tâm lý đang tăng lên chóng mặt. Mới đây nhất là sự ra đi của Jong Huyn – một ngôi sao của làng giải trí Hàn Quốc. Thậm chí ngay tại Việt Nam, những trường hợp tự tử vì áp lực cuộc sống vẫn diễn ra ngày một. Đau lòng hơn, phần lớn những vụ tự sát nạn nhân đều là người trẻ tuổi. Chưa bao giờ căn bệnh trầm cảm lại trở nên nguy hại đến mức báo động như hiện tại. Bởi vậy, có thể ngày hôm nay, khi bạn đang tàn trề nhựa sống, bạn sẽ hời hợt bỏ qua cuốn sách này. Nhưng với những người đang đối mặt với cơn khủng hoảng nội tâm, những câu chữ từ Tamagawa chính là liều thuốc quý.
Cuốn sách khép lại với lời khích lệ đầy tin tưởng ở tương lai “Khi mùa đông lạnh lẽo vừa qua đi, mùa xuân ấm áp sẽ đến. Giây phút bạn chấp nhận từ bỏ và gạt đi định kiến của người khác, sống bằng chính kiến của bản thân là thời điểm bạn thấy tâm hồn mình thanh thản”
Ai trong chúng ta dù mạnh mẽ bao nhiêu, dù bản lĩnh thế nào rồi cũng đến lúc phải trải qua khoảnh khắc mỏi mệt vì cuộc sống, vì tình cảm hay công việc. Mong rằng, từ cuốn sách nhỏ bé của tác giả người Nhật, chúng ta sẽ học được cách mặc kệ thiên hạ để sống kiên cường mạnh mẽ, và quan trọng nhất luôn cảm thấy vui vẻ thoải mái với sự chọn lựa của mình.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.
Hãy là người đầu tiên nhận xét “Mou, Ano Hito No Koto De Nayamu Nowa Yameru – Mặc kệ thiên hạ, sống như người Nhật (Bản Nhật)” Hủy
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.