Vị bác sĩ Nhật bỏ việc lương cao, đi khắp Việt Nam chữa mắt miễn phí cho người nghèo

“Chính bố tôi đã truyền cảm hứng để tôi sống nhiều hơn cho các mục đích thiện nguyện. Trước khi ông chết, ông bảo tôi hãy luôn sống vì mọi người…”

Vị bác sĩ Nhật bỏ việc lương cao, đi khắp Việt Nam chữa mắt miễn phí cho người nghèo

Năm nay đã 52 tuổi, nhưng bác sỹ Hattori vẫn miệt mài cho những mục đích thiện nguyện của mình tại Việt Nam.

8h sáng một buổi sáng mùa hè nắng gắt tháng 6 tại Hà Nội, một chuyến xe hàng nhét chật những thuốc men và thiết bị y tế đậu lại trước văn phòng của một tổ chức thiện nguyện ở Hà Nội. Rồi từ đây, các thiết bị y tế và thuốc men sẽ đi cùng bác sỹ Tadashi Hattori đến nhiều miền quê rất nghèo của Việt Nam.

Hôm nay đoàn đi đến huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, một vùng quê nghèo nơi phần lớn người dân sống bằng nghề nông. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 500 USD/người/năm, chỉ bằng 1/4 so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Tại đây, có rất nhiều người dân không có điều kiện chữa mắt và phải chấp nhận bị mù lòa.

Bệnh viện Đa khoa Đông Triều hiện nay chỉ có 5 bác sỹ nhãn khoa và trang thiết bị y tế còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, vậy cũng đã là tốt hơn rất nhiều so với các vùng nông thôn khác chẳng có bác sỹ hay phòng khám nào.

Hơn 10 năm qua, bác sỹ người Nhật Tadashi Hattori đã trở thành một cái tên rất quen thuộc với bệnh nhân nơi đây bởi ông đã về khu vực này phẫu thuật mắt miễn phí nhiều lần. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, bác sỹ đã phẫu thuật cho 123 người trong huyện.

Nắng nóng hay thời tiết giá lạnh, bất kỳ biến động thiên nhiên bất thường nào cũng không thể ngăn được nỗ lực của bác sỹ Tadashi Hattori người Nhật trong việc đi lại và phẫu thuật cho các bệnh nhân có vấn đề về mắt tại Việt Nam.

 Bác sĩ Tadashi Hattori khám chỉ định trước khi phẫu thuật. (Ảnh: Internet)
Bác sĩ Tadashi Hattori khám chỉ định trước khi phẫu thuật. (Ảnh: Internet)

Suốt mười mấy năm qua, tổng số bệnh nhân nghèo Việt Nam được ông phẫu thuật miễn phí đã lên hơn 15 nghìn. Giá trị các thiết bị y tế dùng cho phẫu thuật rất cao. Giá trị của thủy tinh thể và các vật tư trị liệu đi kèm của mỗi lần chữa bệnh cũng lên đến cả trăm triệu đồng, tất cả đều có được nhờ nguồn đóng góp thiện nguyện của người Nhật dưới sự kêu gọi của bác sỹ Tadashi Hattori và những người bạn của ông.

12 năm trước đây, bác sỹ nhãn khoa Tadashi Hattori đã từ bỏ công việc có mức lương đáng mơ ước tại Nhật để sang Việt Nam giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo.

Khi được hỏi tại sao ông lại làm như vậy, ông trả lời: “Chính bố tôi đã truyền cảm hứng để tôi sống nhiều hơn cho các mục đích thiện nguyện. Trước khi ông chết, ông bảo tôi hãy luôn sống vì mọi người.

Sau này, một người thầy đã dậy tôi rằng: “Hãy luôn đối xử với bệnh nhân như cha mẹ của mình”.”

Chính bố của bác sỹ Hattori đã chết vì sự tắc trách của bác sỹ điều trị bệnh, vì vậy ông đã quyết định học ngành y để cứu người.

Từ năm 2002, bác sỹ Hattori đã phẫu thuật miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân, đồng thời ông cũng đào tạo tay nghề cho nhiều bác sỹ khác. Bác sỹ Hattori tốt nghiệp ngành Y khoa tại đại học Kyoto, một trong 8 trường đại học uy tín nhất tại Nhật. Sau đó ông làm việc tại nhiều bệnh viện ở Nhật. Gần nhất ông công tác tại viện Hamamatsu, tỉnh Shizuoka.

Cuộc đời ông bắt đầu thay đổi khi trong một buổi hội thảo khoa học vào năm 2001, ông gặp một bác sỹ người Việt Nam. Người này đã hối thúc ông sang thăm Việt Nam. Ông kể lại: “Người bác sỹ ấy nói với tôi rằng ở Việt Nam có rất nhiều người quá nghèo nên không có tiền chữa bệnh, chính vì vậy họ phải chịu cảnh mù lòa, có khi mới chỉ ở độ tuổi trung niên.”

Sau khi nghe câu chuyện đó, ông đã về nhà suy nghĩ đến nửa năm, cuối cùng ông quyết định sang Việt Nam đi mổ mắt miễn phí. Khi trình bày ý định này với giám đốc bệnh viện, ông bị yêu cầu phải xin nghỉ việc nếu muốn sang Việt Nam dài hạn. Bác sỹ Hattori đã chấp nhận nghỉ việc để sang Việt Nam để đi theo tiếng gọi của lương tâm, đạo đức.

Chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam của ông kéo dài 1 tháng, ông ghi chép lại tất cả những gì liên quan đến thực trạng bệnh nhân mắt có hoàn cảnh quá nghèo không có tiền chữa trị tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Sau đó, ông quay lại Nhật và kêu gọi các công ty y tế tài trợ, nhưng khi mà ông không làm tại một bệnh viện nào nữa, chẳng ai tài trợ cho ông xu nào. Ông nộp đơn xin hỗ trợ lên chính phủ Nhật nhưng cũng bị từ chối, đại diện của văn phòng chính phủ cho biết họ chỉ giúp đỡ các tổ chức NGO.

Cuối cùng, ông quyết định dùng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để mua thiết bị mang sang Việt Nam mổ miễn phí. Ở Nhật, nghề bác sỹ là nghề hái ra tiền, chỉ cần chăm chỉ làm ăn dù không quá danh tiếng cũng đã đủ có cuộc sống sung túc giàu có. Tuy nhiên, vợ ông lại không có cái “may mắn” đó vì những mục tiêu thiện nguyện của chồng.

Khi ông hỏi về việc muốn dùng tiền tiết kiệm dưỡng già của hai vợ chồng để mua thiết bị phẫu thuật cho người nghèo Việt Nam, vợ ông đã tức giận đến nỗi không nói nên lời. Hai vợ chồng ông không nói chuyện với nhau 3 ngày. Cuối cùng, bà ấy đã đồng ý. Bà thậm chí còn ủng hộ ông trong những chương trình thiện nguyện ở Việt Nam sau này.

Kể từ cuộc gặp gỡ định mệnh vào năm 2001, cuộc sống của bác sỹ Hattori đã chia ra làm 2 và phần nhiều nhiều khi là ở Việt Nam. Ông cho biết tháng nào ông cũng đến Việt Nam chỉ trử tháng 7 và tháng 9. Nhìn chung, số ngày ông ở Việt Nam mỗi năm dao động từ 140 đến 180 ngày.

Cách đây hơn 10 năm, trong vai trò của một bác sỹ thất nghiệp, không thuộc một cơ quan nào, ông bị từ chối mọi sự kêu gọi giúp đỡ về tài chính. Tuy nhiên, dần dà, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và bạn bè, ông đã kêu gọi được rất nhiều hỗ trợ tài chính từ các bệnh viện công, các phòng khám tư mà ông có hợp tác chữa bệnh bán thời gian.

Ông cho biết ông rất thương người bệnh ở Việt Nam bởi quá nghèo mà nhiều khi họ tìm đến ông khi tình trạng bệnh quá nặng, không còn cứu chữa được nữa.

“Chữa bệnh cho bệnh nhân Nhật dễ hơn nhiều vì họ thường tìm đến bác sỹ ngay khi họ thấy có vấn đề, vì vậy bệnh thường chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Nhưng ở Việt Nam, bệnh nhân thường để đến khi gần mù rồi mới tìm đến bác sỹ. Thậm chí nhiều người không làm gì cho đến khi mù một con mắt. Chính vì thế, số người bị mù một mắt ở Việt Nam cao đột biến, cao hơn rất nhiều so với những nơi tôi từng chữa trị.”

Năm nay đã 52 tuổi, nhưng bác sỹ Hattori vẫn miệt mài cho những mục đích thiện nguyện của mình tại Việt Nam. Người ta thấy ông thoăn thoắt phẫu thuật cho bệnh nhân, vận chuyển đồ đạc, đêm về lại cặm cụi viết báo cáo để đăng lên website của tổ chức từ thiện Asia Prevention of Blindness Association mà ông sáng lập vào năm 2005.

Tấm lòng của những người bạn Nhật tốt bụng như bác sỹ Hattori quả thực khiến hàng triệu người Việt Nam cảm động và biết ơn.

Theo Trí Thức Trẻ

Related Posts:

Hệ thống bảng chữ cái tiếng Nhật

Hệ thống bảng chữ cái tiếng Nhật Khác với tiếng...

[CHIA SẺ] ĐỀ THI CHÍNH THỨC JLPT N3 – 12/2016 (BẢN ĐẸP) FULL

Sachngoaingu.org xin chia sẻ tới bạn học đề thi JLPT...

[CHIA SẺ] ĐỀ THI CHÍNH THỨC JLPT N4 – 12/2016 (BẢN ĐẸP) FULL

Sachngoaingu.org xin chia sẻ tới bạn học đề thi JLPT...